Nhân vật lịch sử: Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Chúng ta tìm hiểu về cuộc đời, công trạng của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Trần Nhật Duật là một danh tướng có công trong 3 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Ông là con thứ 6 của Trần Thái Tông, sinh tháng 4 năm Ất Mão (1255) tại hoàng cung Thăng Long. 30 năm sau tháng 4 năm Ất Dậu, ông trở thành người anh hùng trong trận Hàm Tử nổi tiếng.

Sử cũ truyền rằng, khi ông sinh ra, ở cánh tay có chữ "Chiêu Văn đồng tử", Nhà vua bèn lấy chữ đó đặt tên hiệu cho ông. Lúc lớn lên, ông rất thông minh, có tiếng là người học rộng, hiểu biết nhiều lĩnh vực tri thức.

Những văn thư của triều đình phần nhiều do ông thảo. Vua Anh Tông có hai mũ võ, tức là mũ để đội trong khi duyệt giảng võ mà chưa biết đặt tên là gì. Khi Anh Tông đi đánh Chiêm Thành, định đội để đi, sai Trần Nhật Duật đặt tên, ông bèn đặt một cái là Uy Vũ, một cái là Uy Đức. Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát đều do ông làm ra. Tiếc rằng những sáng tác âm nhạc của ông đều không còn đến ngày nay.

1.Nhà ngoại giao tài ba của Trần Nhật Duật

Trần Nhật Duật nổi tiếng hiểu nhiều biết rộng. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn có sự hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ. Đối với các dân tộc trong nước, Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn hiểu cả tâm tư người khác.

Ngoài 20 tuổi. Trần Nhật Duật đã được triều đình nhà Trần giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan
Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến sử Nguyên cho rằng Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (nước Triệu cũ) (gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt.

Năm 1280, chúa đạo Đà Giang (thuộc miền Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên cự lại triều đình. Cung lúc đó nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh đánh Đại Việt. Với nhu cầu cấp bách phải dẹp ngay mối bất hòa trong nước, vua Trần phái Trần Nhật Duật làm Trấn thủ Đà Giang" ra quân đi dẹp.

Trần Nhật Duật 1

Hay tin, Tịnh Giác Mật họp thủ hạ bàn kế cự chiến. Giác Mật định ám hại ông nên sai người đưa thư dụ Nhật Duật: "Giác Nội không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mặt xin ra hàng ngay". Các tướng can ngăn e Giác Mật tráo trở, ông chỉ nói nếu có như vậy triều đình sẽ cử một vương khác tới làm tướng, rồi ông một mình một ngựa đến trại Giác Mật, chỉ mang theo mấy tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Thản nhiên đi giữa lớp lớp gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Nhật Duật nói với chúa đạo bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang:

“Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tại phải.

Từ Các Mật đen các đầu mục đều kinh ngạc trước sự âm hiểu tiếng nói và nô lệ của ông. Rồi Giác Mật sai bưng mâm rượu lên. Giác Mật mời ông uống. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo.

Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: "Chiêu Văn Vương là anh em voi ta rồi!".

Nhật Duật nói: "Chúng ta xưa nay vẫn là anh em". Trịnh Giác Mật nhanh chóng chịu quy thuận, khiến nhà Trần yên ổn được biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Mông Nguyên

Khi trở về kinh sư, Trần Nhật Duật đem (Trịnh Giác Mật và vợ con hắn vào chầu. Vua khen ngợi ông mãi. Sau Vua cho Trịnh Giác Mật về nhà, giữ vợ con hắn lại ở kinh đô. (Trần) Nhật Duật thương yêu và nuôi nấng họ hết lòng, lại còn xin triều đình ban cho họ tước Thượng phẩm, sai trông coi ao cá một thời gian mới đưa về quê nhà.

Trong chuyến đi trấn an Đà Giang này, Trần Nhật Duật cũng được một người Mường tên là Ma Văn Khải tặng một quyển sách dật sử viết bằng Man ngữ do tổ 5 đời là Ma Văn Cao soại nói về cuộc đời của người Thổ tên Hoàng Quỳnh dưới triều Lý Thần Tông Trần Nhật Duật sau này dịch từ Man ngữ ra chữ Hán với nhan đề “Lĩnh Nam dật sử” năm 1297. Đây là một bộ sách viết theo lỗi tiểu thuyết dài Trung Hoa rất ly kỳ chia ra làm 28 hồi, giống như tiểu thuyết kiếm hiệp hiện đại, rất có giá trị về phương diện dân tộc, địa lý tư tưởng và văn hóa học.

Thời vua Trần Nhân Tông, sứ giả xứ Sách Ma Tích (?, có lẽ là Sr. Vijaya ở vùng đảo Sumatra) sang cống, không tìm được người phiên dịch. Cả Thăng Long chỉ có một minh Trần Nhật Nhuật dịch được. Đó là vì thời Thượng hoàng Trần Thái Tông, chàng vương tử Trần Nhật Duật đã chịu khổ giao du với họ và đọc được tiếng nước họ rồi, Vua Nhân Tông thán phục, thường nói đùa: "Chiêu Văn vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân của giống Phiên, Man".

Sự kiện trên xãy ra vào cuối năm 1280, tức là năm mà Trần Nhật Duật mới 25 tuổi. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, một trai 25 tuổi của thế kỷ thứ XIII lại dũng cảm và tự tin, tài hoa và bản lĩnh cao cường đến thế. Trần Nhật Duật trị dân bằng cách tự mình khiến cho dân tin và kính phục mà vui theo chứ không bằng cách thị uy sức mạnh của người nắm trong tay lực, khiến cho dân phải khiếp sợ mà vâng lời.

2.Võ tướng tài năng

Sinh thời, thánh tướng Trần Quốc Tuấn, tài năng quân sự kiệt xuất của Việt Nam và thế giới rất yêu mến và tín nhiệm Trần Nhật Duật. Trong các mặt trận then chốt và những trận đánh quyết định, Trần Quốc Tuấn bao giờ cũng giao trọng trách cho Trần Nhật Duật và ông Hoàng Sáu đã không phụ sự trọng dụng của triều đình.

Chính sử chỉ chép kỹ biệt tài quân sự của ông trong chiến thắng Hàm Tử Quan (tháng 5/1285) nhưng trên thực tế tài cầm quân của ông đã sớm được thể hiện từ trước đó, đặc biệt là tư duy quân sự mang tính chiến lược sâu sắc, một bộ óc quân sự phi thường phục vụ hết sức có hiệu quả trong các lần chiến thắng quân Nguyên - Mông
Nhãn quan quân sự của Thượng tướng Trần Nhật Duật rất uyên thâm. Trong các lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thứ hai và thứ ba ông đều có công lớn. Là vị danh tướng được nhân dân, đặc biệt là các tù trưởng vùng Tây Bắc yêu kính và ngưỡng mộ nên ông thường xuyên được giao nhiệm vụ tác chiến với quân Nguyên - Mông ở địa bàn quen thuộc Tây Bắc.

Trong hai lần thứ hai và thứ ba - quân Nguyên - Mông tràn sang thì hướng vu hồi thường được chúng xuất phát từ Vân Nam đánh xuống các tỉnh Tây Bắc vào Thu Vật (thuộc Yên Bái ngày nay) do những viên tướng lão luyện, dày dạn trận mạc cầm đầu. Trong khi hướng chính qua ải Nam Quan, Lạng Sơn, Chi Lăng quân chủ lực Nguyên - Mông với khí thế triều dâng thác đổ do các tướng lĩnh khét tiếng A Lý Hải Nha, Nạp Tốc Lạt Đinh, Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải, Lý Hằng, Lý Quán... phò thái tử Thoát Hoan tiến thẳng vào Thăng Long và thường là ta bỏ trống kinh thành lánh giặc đợi thời cơ phản kích. Một hướng nữa theo đường biển Vân Đồn, Quảng Ninh (thường là chiến thuyền và thuyền lương) tiến công tạo thế gọng kìm. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt các bước tác chiến có tính sống còn nên việc điều các tướng lĩnh chặn giặc để lui binh chiến lược mà không đổ vỡ đại cục là hết sức quan trọng. Trong lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, cũng là lần ác liệt nhất, Trần Nhật Duật được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - vị thống soái tối cao điều lên mặt trận Tây Bắc, và ông đã không phụ lòng tin của triều đình và Quốc công Tiết chế.

Khi nhận trọng trách, Trần Nhật Duật bao giờ cũng có cách khu xử hết sức nhịp nhàng trong việc chống giữ. Ông cầm quân thường rất nhàn nhã, ra trận thong dong đôi khi đem theo cả dàn nhạc. Giặc luôn nể phục và trân trọng tài năng quân sự của ông, đặc biệt là việc dùng các đạo binh dân tộc thiểu số trong hiệp đồng tác chiến hết sức hiệu quả. Vùng biên giới Tây Bắc mênh mông rộng lớn hầu như chỗ nào cũng có dấu chân đức ông Hoàng Sáu từ trước cả khi lũ xâm lăng phạm đến. Ông đánh thủy đánh bộ đều giỏi, dụng binh như thần, tướng sĩ kể cả một số bại tướng vong quốc nhà Tống đều một lòng một dạ chiến đấu dưới ngọn cờ của Chiêu Văn vương như danh tướng Triệu Trung. Ông cũng rất hiểu tình thế ngàn cân treo sợi tóc của triều đình và những lo lắng khôn cùng của Trần Quốc Tuấn. Có thể hiểu ông như một cánh tay đắc lực của Quốc công Tiết chế trong san sẻ những ý đồ chiến lược. Điều ông lên tác chiến với địch vùng Tây Bắc là một tính toán hết sức hợp lý của Trần Quốc Tuấn. (Khi kháng chiến Nguyên - Mông lần thứ hai, Trần Nhật Duật mới tròn 30 tuổi). Dám tin tưởng vào các tài năng trẻ dù trong tôn thất hay những tài năng phát hiện từ nhân dân cho thấy cách dùng người đã đạt đến độ thượng thừa của vương triều Trần mà công lao lớn nhất thuộc về Trần Quốc Tuấn.

Gánh trọng trách trấn nhậm vùng Tây Bắc, Trần Nhật Duật hiểu được rồi đây cuộc chiến sẽ hết sức khốc liệt, các mặt trận chính sẽ bị vỡ trước sức mạnh ban đầu không thể cản được của đế chế Nguyên - Mông. Nhưng việc quan trọng có tính quyết định là phải bảo toàn được lực lượng, phải giấu nhẹm được ý đồ chiến lược của ta mà không mất đi sĩ khí đánh giặc, nuôi dưỡng lòng dân không khiếp sợ để tạo cơ hội phản công sau này. Các tướng lĩnh kiệt xuất triều Trần thời ấy tuy tác chiến độc lập và không thể có thông tin nhanh như thời hiện đại nhưng dường như họ có thuật tâm truyền và thực thi các ý đồ đã định hết sức chính xác và quả cảm. Chính điều này đã góp phần tạo nên những võ công của dân tộc Đại Việt. Trong tác chiến với cánh quân của địch tràn vào hướng Tây Bắc, Trần Nhật Duật đã bảo toàn được lực lượng, từng bước lui binh chiến thuật về Bạch Hạc (Việt Trì ngày nay), làm lễ tuyên thệ nâng cao sĩ khí, nắm vững ý đồ tác chiến toàn cục và đặc biệt là luôn tin tưởng vào sự tất thắng của đội quân chính nghĩa.

Cuối năm 1284, quân Nguyên chia hai đường ồ ạt kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trần Nhật Duật đang trấn thủ lô Quy Hoa (bây giờ là Tuyên Quang). Trước thế mạnh của quân giặc từ Vân Nam tiến đánh quân Đại Việt ở trại Thu Vật (thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay, ông đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược theo con đường từ Yên Bình về Bạch Hạc (Phú Thọ) rồi vượt qua vùng các dân tộc thiểu số rút về chỗ vua Trần đóng quân.

Năm 1285 Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn của nhà Trần, đóng giữ ở vùng Tuyên Quang ngày nay, đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của đạo quân Mông Nguyên khổng lồ do Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu. Ông và tướng sĩ dưới quyền đã đánh nhiều trận xuất sắc, gây cho giặc nhiều tổn thất lớn.

Trước sức mạnh áp đảo của quân Mông-Nguyên, để tránh những thiệt hại không cần thiết theo lệnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông đã đem lực lượng tiến vào Nam chi viện cho cánh quân của hai cha con Trần Quốc Khang và Trần Kiện đang đóng giữ ở vùng thuộc Thanh Hóa và Nghệ An ngày nay. Nhưng, ông chưa tới nơi thì Trần Kiện đã đầu hàng giặc. Tình hình vùng này trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Trần Nhật Duật phải tìm đủ mọi cách chống đỡ, sau nhờ có thêm sự chi viện của cánh quân do anh ông là Trần Quang Khải chỉ huy, cục diện chiến trường mới thay đổi dần theo chiều hướng có lợi cho ta. Đạo quân giặc đông ngót mười vạn tên do viên tướng khét tiếng tàn bạo và thiện chiến là Toa Đô chỉ huy đã buộc phải sa lầy tại vùng đất này. Hoạt động phối hợp của đạo quân Toa Đô đối với đại binh của Thoát Hoan kể như đã bị vô hiệu hóa.

Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công. Trong năm chiến dịch lớn nhất của cuộc phản công chiến lược này (gồm có: chiến dịch Tây Kết lần thứ nhất, chiến dịch Chương Dương, chiến dịch Hàm Tử, chiến dịch Tây Kết lần thứ hai và chiến dịch Thăng Long), Trần Nhật Duật có vinh dự được cử làm tướng chỉ huy một chiến dịch, đó là chiến dịch Hàm Tử. Bấy giờ, lực lượng vốn có của mình, Trần Nhật Duật đã quy tụ được không ít những người Trung Quốc lưu vong. Họ bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên nên đã chạy sang lánh nạn ở nước ta. Họ kính trọng tài năng quân sự và đặc biệt là tài thông thạo tiếng Trung Quốc của Trần Nhật Duật nên đã tình nguyện chiến đấu dưới trướng của Trần Nhật Duật. Vua Trần Nhân Tông gọi họ là “quân Thát của Chiêu Văn". Điều này đã khiến cho quân Mông-Nguyên rất bất ngờ. Có kẻ hốt hoảng vì nghĩ rằng đó là đội liên quân của nhà Tống với ta.

Trong chiến công lừng lẫy Hàm Tử (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) khi ông là người được giao tổng chỉ huy trận đánh với sự tin tưởng tuyệt đối của hai vua và Trần Quốc Tuấn đánh thắng địch mạnh tạo đà cho chuỗi chiến thắng tiếp theo đuổi giặc Bắc ôm đầu máu ra khỏi biên giới Đại Việt. Cục diện chiến tranh trước trận Hàm Tử, ta và địch đang ở thế giằng co. Khi ấy địch luôn nghĩ chúng mạnh hơn ta kể từ khi Toa Đô phá vỡ ải Nghệ An đang tính nước cờ hội sư với Thoát Hoan tại đất thang mộc Thiên Trường cũng là ý đồ bắt sống hai vua cùng toàn bộ bộ chỉ huy vương triều Trần. Khi ấy Trần Quang Khải đã có những chiến thắng cục bộ trong tác chiến với đội quân Toa Đô sau khi giặc phá vỡ cửa ải bắt đầu có phần mệt mỏi, khinh địch.

Khi ấy, với đầy đủ thông tin tình báo và diễn biến từ các mặt trận, Trần Quốc Tuấn đã nghĩ tới một cuộc tổng phản công nhưng vấn đề là phải có một chiến thắng mang tính đột phá khẩu ngay trên đất Bắc và chiến thắng đó phải đủ sức làm thay đổi cục diện chiến tranh mang thế có lợi cho ta. Trong số các tướng lĩnh tài danh lúc ấy, Trần Quốc Tuấn và hai vua đã trao trọng trách cho Trần Nhật Duật đánh trận then chốt này, đánh thẳng vào Hàm Tử. Hàm Tử khi ấy bao gồm toàn bộ binh thuyền, quân tướng và một bộ phận sinh lực quân được Thoát Hoan cử đến do nguyên soái Toa Đô, hổ tướng Ô Mã Nhi cùng hàng chục viên tướng lão luyện chỉ huy.

Nhận mệnh lệnh lên đường, Trần Nhật Duật ngả cờ im trống lặng lẽ tiến quân. Bộ phận tiền quân xuất phát trước đó gom các chiến thuyền đã được giấu trong dân trong cuộc lui binh chiến thuật. Sức mạnh lòng dân thật lớn lao như trời biển. Không những không thiếu một chiếc thuyền nhỏ nào mà dân còn đóng sẵn hàng trăm chiếc thuyền sung cho đội quân chính nghĩa. Nơi các đình chùa, nhân dân nô nức sửa soạn tòng quân. Khí giới, quân nhu nhiều như nước chảy và đặc biệt là khí thế đánh giặc thì vô cùng sôi sục. Nhận mệnh lệnh lên đường với hơn một vạn quân nhưng khi đến Hàm Tử thì đội quân của Trần Nhật Duật đã lên tới trên năm vạn người với gần bốn trăm thuyền chiến lớn nhỏ. Chiêu Văn vương vô cùng xúc động trỏ xuống lòng sông thề rằng: “Ta sẽ đại phá địch ở khúc sông này. Thề sống chết với giặc ở đây. Các ngươi hãy nhớ lấy”.

Tiếng hộ sát Thát vang rền rờn rợn mặt sông. Đội Tống binh của tướng Triệu Trung đang chuẩn bị nhận lệnh tiên phong đánh địch. Cũng chính lúc ấy, vương nhận được thông tin toàn bộ hải thuyền của Tọa Độ đang tiến đến gần và bọn chúng vẫn chưa biết đại quân ta sẵn sàng nghênh chiến. Bình tĩnh để đoàn thuyền nặng nề của nguyên soái lừng danh Toa Đô tiến hẳn vào trận địa, Trần Nhật Duật mới cho nổ pháo lệnh và trút đại bác lên thuyền địch. Quá bất ngờ, quân Toa Đô lúng túng kinh hãi không hiểu quân nhà Trần ở đâu như từ trên trời rơi xuống, dưới lòng sống chui lên nhan nhản trút bão lửa xuống đầu chúng. Càng kinh hãi hơn khi sau những loạt đại bác là một đoàn quân Tống, quần áo Tống, cờ hiệu Tống ào ạt, vun vút trên những thuyền nhỏ lăn xả vào soái thuyền Toa Đô. Quân ta càng đánh càng hãng, giặc càng đánh càng núng thế.

Trong lúc giặc thập phần nguy ngập thì Ô Mã Nhi kịp đến viện trợ Toa Đô. Đã có tính toán từ trước, Trần Nhật Duật tung đội quân do hổ tướng Nguyễn Khoái dẫn đầu xông thẳng vào đoàn quân cứu viện của Ô Mã Nhi với khí thế không gì cản nổi. Trận đánh ngày càng ác liệt, tỷ lệ quân số ta và địch sít soát nhau nhưng ta dần thắng thế vì lòng quân mỗi lúc một hãng và dân binh ùn ùn kéo đến tiếp viện. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt và bắt sống địch ước chừng hơn ba vạn, chiến thuyền gần hai trăm, binh khí chất cao như một ngọn đồi, Toa Đô và Ô Mã Nhi phải bỏ lính chạy tháo thân gây nên một thảm cảnh kinh hoàng cũng là tiền đề cho những chuỗi thất bại kế tiếp... Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư: "Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả".

Chiến thắng Hàm Tử Quan là một trong những trận đánh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên và trong cả lịch sử Việt Nam.

Thật đúng là:

Trần Hưng Đạo đã anh hùng,

Mà Trần Nhật Duật kể công cũng nhiều".

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật (lúc này đã 33 tuổi) lại một lần nữa, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc ta. Ông có vinh dự được chia sẻ trách nhiệm với vị tổng chỉ huy thiên tài của quân đội ta lúc hấy giờ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng cũng chính vì luôn ở bên cạnh nguồn sáng kỳ diệu này mà tên tuổi của ông có phần bị mờ nhạt đi.

3.Đại thần nhà Trần

Năm 1302, vua Trần Anh Tông phong Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc công cùng vua trông coi việc nước. Đến đời Minh Tông năm 1324 phong thành Tá thánh Thái sư, năm 1329 lại phong Đại vương Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, đã từng là hoàng tử lưu thủ kinh thành khi vua Trần và Trần Quang Khải tuần du phương Nam. Trần Nhật Duật cũng là người có công nuôi dạy hoàng tử Mạnh từ bé (về sau lên ngôi thành vua Trần Minh Tông).

Dù đã có nhiều công lao, lại là hoàng tử nhà Trần nhưng Trần Nhật Duật là người làm việc giỏi và ngay thẳng. Vợ ông là Trinh Túc phu nhân có lần nhờ ông một việc riêng. Ông gật đầu, nhưng đến khi ra phủ, người giúp việc đem việc ấy ra trình, ông không cho.

Trần Nhật Duật là người nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô.

Một lần có kẻ kiện gia tỳ của ông với Quốc phụ (tức Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn). Quốc phụ sai người đến bắt. Người gia tỳ chạy vào trong phủ. Người đi bắt đuổi đến giữa nhà, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc, nói: "Ông là tể tướng mà Bình chương cũng là tể tướng, chỉ vì ân chúa nhân từ nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này". Ông vẫn tự nhiên, chẳng nói gì, sai người bảo gia tỳ rằng: "Ngươi cứ ra, đâu đâu cũng đều có phép nước".

Ông mất năm Canh Ngọ (1330) đời Trần Hiến Tông, thọ 77 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với chặng đường vinh quang nhất của triều Trần.

Theo GS. Vũ Ngọc Khánh - Đỗ Thị Hảo; Nguyễn Đức Hiệp; Phùng Văn Khai và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguồn: Sách những danh tướng trong lịch sử Việt Nam.

Xem thêm: Phạm Ngũ Lão – Danh tướng giúp Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc Nguyên Mông

Đăng nhận xét

0 Nhận xét